HỎI VÀ SỐNG
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
dành cho các lễ sinh (giúp lễ)
CHƯƠNG MỘT
PHỤC VỤ TRONG HỘI THÁNH
I. HỘI THÁNH LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN.
1. Hội Thánh là gì ?
Hội Thánh là cộng đoàn Dân Chúa mà Đức Giêsu đã qui tụ và dẫn dắt dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để tiến về Quê Trời.
2. Giáo phận là gì ?
Giáo Phận là một phần Dân Chúa được giao phó cho một Giám mục săn sóc, cùng với sự cộng tác của Linh mục đoàn, để nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đoàn ấy lập thành Giáo Hội địa phương.
3. Giáo phận còn được gọi là gì ?
Giáo phận còn được gọi là “Giáo Hội địa phương”.
4. Giáo xứ là gì ?
Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, mà việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho cha quản xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục Giáo phận (GL 515).
II. CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU LÀ CỘNG ĐOÀN DÂN THÁNH ĐƯỢC QUY TỤ CÓ PHẨM TRẬT.
5. Cộng đoàn Kitô hữu là gì ?
Cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn dân thánh, được quy tụ có phẩm trật dưới quyền Đức Giám Mục (QCTQ/SLR 91).
6. Nhìn vào đâu để nói lên cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật ?
Nhìn vào buổi cử hành thánh lễ để thấy cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật : trong buổi cử hành thánh lễ, thừa tác viên cũng như tín hữu giáo dân, không ai là khán giả câm lặng nhưng mỗi người đều tham gia tích cực vào buổi cử hành và thực hiện phận vụ của mình theo qui tắc phụng vụ.
7. Chủ tế là ai ?
Chủ tế là người trong Hội Thánh có chức thánh để dâng hy lễ nhân danh Đức Kitô, để chủ tọa cộng đoàn tín hữu được quy tụ (QCTQ/SLR 93) ; ngài thay mặt Đức Kitô là Đầu mà hành động (LM 2).
8. Phó tế là ai ?
Phó tế là người có chức thánh để phục vụ : thầy công bố Tin Mừng, đôi khi diễn giảng Lời Chúa, xướng các ý nguyện trong lời nguyện cho mọi người, giúp chủ tế khi chuẩn bị bàn thờ và khi cử hành hy tế, cho các tín hữu rước lễ, nhất là dưới hình rượu (QCTQ/SLR 94).
9. Người giúp lễ là ai ?
Là người phục vụ bàn thờ, giúp chủ tế và thầy phó tế (QCTQ/SLR 98). Khi sốt sắng tham dự và thi hành phận sự mình, thì người giúp lễ góp phần tạo nên bầu khí tôn nghiêm, giúp cho cộng đoàn cầu nguyện để tôn vinh Thiên Chúa.
10. Người đọc sách làm gì ?
Người đọc sách có sứ mạng cao cả là công bố Lời Chúa : Bài đọc I, Thánh vịnh đáp ca, Bài đọc II.
11. Người dẫn lễ là ai ?
Là người giải thích và hướng dẫn, giúp giáo dân tham dự thánh lễ cách ý thức hơn. Vì vậy, lời hướng dẫn này phải được sửa soạn trước, vắn tắt và rõ ràng (QCTQ/SLR 105 b).
12. Ca viên và ca đoàn giữ vai trò nào trong phụng vụ ?
Ca viên và ca đoàn giữ vai trò quan trọng để việc cử hành phụng vụ được tốt đẹp. Bằng lời ca tiếng hát, họ tạo nên tâm tình sốt sắng và nâng đỡ cộng đoàn đang cầu nguyện.
13. Cộng đoàn tham dự phụng vụ là những ai ?
Là các tín hữu hợp thành dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, hoàng tộc chuyên lo tế tự, để tạ ơn Thiên Chúa (QCTQ/SLR 95).
14. Vai trò của các nhạc công là gì ?
Họ đóng vai trò quan trọng, vì âm nhạc là nền để cộng đoàn phụng vụ tựa vào đó mà ca hát tôn vinh Chúa.
15. Người giữ phòng thánh là ai ?
Là người sắp đặt cẩn thận các đồ dùng cần thiết trong việc cử hành phụng vụ (x. QCTQ/SLR 105), và cũng gìn giữ phòng thánh được an toàn, trật tự .
III. LỜI NÓI VÀ DÁNG ĐIỆU CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU
16. Lời tung hô là những lời nào ?
Các lời tung hô trong thánh lễ gồm có :
– Amen : tiếng Do thái có nghĩa là tán đồng, “Vâng, đúng thế…”.
– Alleluia : tiếng Do thái có nghĩa là “Chúc tụng Chúa”. Đây là lời tung hô bày tỏ niềm vui mừng và chiến thắng.
– Hosanna : tiếng Do thái tạm dịch là “Hoan hô”.
– Tạ ơn Chúa ; Lạy Chúa, vinh danh Chúa ; Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa : đây là những lời chúc tụng tạ ơn Chúa.
Những lời này có thể dưỡng nuôi tâm tình cầu nguyện trong tâm trí ta suốt ngày.
17. Những lời đối đáp là những lời gì ?
Là những câu tín hữu đáp lại lời chào và lời cầu nguyện của vị chủ tế trong suốt buổi cử hành phụng vụ. Các lời đối đáp diễn tả những ước nguyện và tâm tình của cộng đoàn và mỗi tín hữu.
18. Vinh tụng ca là gì ?
Vinh tụng ca là công thức để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa về những kỳ công của Người. Có nhiều câu chúc tụng như :
– “Nhờ Đức Giêsu Kitô…” là câu kết thúc lời nguyện, hướng lòng chúng ta về Ba Ngôi Thiên Chúa.
– “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời…” là thánh thi lễ Giáng Sinh mà chúng ta đọc đầu lễ (trừ Mùa Vọng, Mùa Chay)
– “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô…” là Vinh Tụng Ca long trọng nhất kết thúc Kinh Tạ Ơn, dành riêng cho vị tư tế.
19. Lời cầu là những lời gì ?
Lời cầu là những công thức cầu nguyện ngắn gọn. Việc lặp đi lặp lại giúp ý cầu nguyện đi sâu vào nội tâm, ví dụ như lời : “Xin Chúa nhậm lời chúng con”.
20. Lời Tuyên Xưng Đức Tin là gì ?
Lời Tuyên Xưng Đức Tin là bản tóm tắt đức tin và những chân lý trong đạo Công Giáo.
– Kinh Tin Kính của Công đồng Ni-xê Công-tan-ti-nốp : chúng ta đọc trong thánh lễ.
– Kinh Tin Kính các tông đồ : thường đọc trong các buổi đọc kinh và học trong các giờ giáo lý.
– Công Thức Tuyên Xưng Đức Tin khi chịu phép Rửa, được cộng đoàn lặp lại trong Đêm Vọng Phục Sinh.
21. Sự thinh lặng trong phụng vụ có ý nghĩa như thế nào ?
Thinh lặng trong phụng vụ giúp mỗi người đi sâu vào nội tâm, để suy niệm và cầu nguyện, cách riêng trong những lúc : sám hối đầu lễ, sau các bài đọc và bài giảng, sau rước lễ (x. QCTQ/SLR 45).
IV. CỬ CHỈ CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU
22. Dấu Thánh Giá có nghĩa gì ?
Dấu Thánh Giá là việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, được các tín hữu ghi dấu trước khi cử hành bất cứ việc đạo đức nào.
23. Tư thế đứng mang ý nghĩa gì ?
Là tư thế trang trọng của con người tự do, không phải là nô lệ, là tư thế của người được sống lại, và kính trọng khi lắng nghe Tin Mừng.
24. Tư thế ngồi mang ý nghĩa gì ?
Ngồi là tư thế của kẻ hồi tâm để lắng nghe và thư thái yên hàn đón nhận Lời Chúa trong các bài đọc, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn.
25. Tư thế quỳ mang ý nghĩa gì ?
Là thái độ khiêm tốn nhận mình có tội trước Thiên Chúa vô cùng cao cả.
Bái quỳ là cách diễn tả tâm tình thờ phượng trước thánh nhan Chúa.
26. Tư thế bước đi mang ý nghĩa gì ?
Bước đi chậm rãi khoan thai là dấu chỉ chúng ta đang tiến đến cùng Chúa, là diễn tả niềm vui và ước ao được đến với Chúa, như lúc đầu lễ, dâng lễ, rước lễ, v.v…
CHƯƠNG HAI
TRẺ EM PHỤC VỤ BÀN THỜ
27. Chú giúp lễ (lễ sinh, thiếu nhi cung thánh) là ai ?
Là những người được trao phó sứ mạng phục vụ Bàn Thờ để giúp cộng đoàn sốt sắng tham dự phụng vụ.
28. Việc phục vụ Bàn Thờ phát xuất từ đâu ?
Mỗi tín hữu đều có bổn phận phục vụ cộng đoàn. Vì vậy việc phục vụ của chú giúp lễ phát xuất từ ơn gọi của bí tích rửa tội.
29. Khi nào em được gọi là chú giúp lễ ?
Sau khi em được học hỏi và huấn luyện để phục vụ cung thánh, thì em được gọi là chú giúp lễ.
30. Việc phục vụ tại cung thánh có ý nghĩa như thế nào ?
Việc phục vụ tại cung thánh là dấu chỉ em được thay mặt cộng đoàn để phục vụ các cử hành phụng vụ.
31. Việc phục vụ bàn thờ có đem lại ích lợi gì cho em không ?
Khi phục vụ bàn thờ em được gần gũi với Chúa và các cử hành thánh, giúp em tăng trưởng đức tin và lòng yêu mến Chúa.
32. Phái nữ có được giúp lễ không ?
Có thể được tuỳ theo nhu cầu, tùy theo sự xét đoán của Giám mục (RS 47), nhưng truyền thống của Giáo Hội vẫn ưu tiên trao sứ mạng này cho phái nam vì phận vụ của người giúp lễ có mối liên hệ chặt chẽ với thừa tác vụ thánh của linh mục.
33. Việc giúp lễ có giúp ích gì cho ơn gọi linh mục không ?
Giúp lễ là dịp tốt cho lễ sinh được ở gần Chúa hơn, được các linh mục dạy dỗ nhiều hơn, như cậu bé Samuen ngày xưa ở trong Đền thờ với Thầy Hêli (x. 1 Sm 3,3-19).
34. Chú giúp lễ phải học những gì ?
Em phải học hỏi giáo lý đầy đủ, phải sống đức tin mạnh mẽ, phải tập kỹ lưỡng các nghi thức phụng vụ, đồng thời tập sống chung với các bạn lễ sinh khác.
35. Tại sao phải họp giúp lễ ?
Việc họp giúp lễ để các lễ sinh có chung một tinh thần phục vụ, tăng trưởng lòng đạo đức và giúp các em trau dồi về phụng vụ.
36. Áo trắng dài của lễ sinh nói lên điều gì ?
Thường các lễ sinh mặc áo trắng dài để nhắc em nhớ đến chiếc áo ngày chịu phép rửa tội và em phải giữ tâm hồn sạch tội để xứng đáng phục vụ bàn thờ.
37. Tinh thần phục vụ của lễ sinh phải thế nào ?
Tinh thần phục vụ của lễ sinh phải hướng tới lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn và chính mình bằng đời sống đạo đức, khiêm tốn và sẵn sàng.
38. Tại sao em phải cần tập giúp lễ ?
Việc tập giúp lễ giúp em nắm vững phần công việc của mình, loại bỏ những căng thẳng và lo lắng trong buổi lễ, làm cho tâm trí em được thanh thản mà cầu nguyện và giúp cộng đoàn phụng vụ thêm sốt sắng.
39. Lễ sinh phải đi đứng thế nào ?
Em bước đi trong tư thế nghiêm trang, ngang hàng với người bên cạnh và bước thẳng theo người đi trước, không quay ngang quay ngửa.
40. Lễ sinh phải ngồi thế nào ?
Lễ sinh luôn chờ vị chủ tế ngồi trước rồi hãy ngồi. Cần ngồi thẳng lưng, hai tay đặt trên hai đầu gối.
41. Tư thế đôi tay của lễ sinh thế nào ?
Tư thế đôi tay thông thường là :
– Chắp tay khi đứng và quỳ.
– Khi làm công việc với một tay, thì tay kia để trước ngực.
– Khi ngồi hai tay để trên đầu gối.
42. Cúi mình khi nào và cúi đầu khi nào ?
– Cúi mình (cúi sâu, gập cả phần thân) khi tỏ lòng cung kính trước bàn thờ hay Thánh Thể…, ví dụ : lúc đầu lễ, lúc cuối lễ, khi đọc kinh Tin Kính chỗ “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần… làm người”, khi dâng Mình và Máu Thánh Chúa, v.v…
– Cúi đầu khi kêu tên Chúa Giêsu-Kitô, tên Đức Maria và vị thánh được kính trong thánh lễ hôm đó, khi đi ngang qua trước vị chủ tế, v.v…
43. Chưởng nghi là ai ?
Là người có khả năng chuyên môn, để lo liệu cho các động tác phụng vụ được xếp đặt cách thích đáng và được các thừa tác viên chức thánh và các tín hữu giáo dân thực hiện cách trang nghiêm, trật tự và đạo đức (QCTQ/SLR 106).
44. Người cầm Thánh Giá và đèn hầu là ai ?
Người cầm Thánh Giá đi đầu đoàn rước tiến vào nhà thờ cũng như lúc ra về ; còn hầu đèn là hai người cầm đèn đi bên cạnh khi đi rước đầu lễ và cuối lễ, lúc công bố Tin Mừng và, nếu cần thì làm một vài công việc khác trong buổi cử hành.
45. Người cầm hương có nhiệm vụ gì ?
Người cầm hương phải lo cho bình hương có than cháy để khi bỏ hương, khói hương nghi ngút nói lên kinh nguyện tỏa bay lên trước tôn nhan Chúa.
46. Có mấy lần bỏ hương trong lễ trọng ?
Thường trong thánh lễ trong có 4 lần bỏ hương :
a) đầu lễ (khi đi kiệu vào nhà thờ, xông hương Thánh Giá và bàn thờ) ;
b) công bố Tin Mừng ;
c) xông hương lễ vật, chủ tế và cộng đoàn ;
d) lúc dâng Mình và Máu Thánh Chúa.
CHƯƠNG BA
THÁNH LỄ VÀ DIỄN TIẾN
47. Tại sao gọi Thánh Lễ là trọng tâm đời sống Kitô hữu ?
Vì Thánh Lễ là trung tâm, “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Trong thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa.
48. Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta điều gì ?
Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta nhớ lại “ngày thứ nhất trong tuần”, ngày Chúa Phục Sinh, ngày dành riêng để thờ phượng Chúa và làm các việc bác ái.
49. Ta phải sống tâm tình ngày Chúa Nhật thế nào ?
Ta phải mang tâm tình đạo đức và vui tươi vì được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và anh chị em mình hơn mọi ngày khác.
50. Lễ sinh làm gì trước khi giúp lễ ?
Trước khi giúp lễ, em đọc lời nguyện này : “Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã muốn dùng con để phục vụ bàn thánh. Xin Chúa mở tai con để lắng nghe Lời Chúa, mở miệng con để ca tụng danh thánh Chúa. Xin giúp con mãi mãi là tôi tớ trung thành phục vụ Chúa ở nơi đây cũng như ở khắp mọi nơi mà con hiện diện. Amen”.
51. Lễ sinh làm gì ở phòng thánh ?
Tại phòng thánh em cùng các bạn giúp nhau mặc áo, giữ thinh lặng để chuẩn bị tâm hồn và thể xác tham dự thánh lễ. Tuyệt đối không nô đùa, không lớn tiếng ở phòng thánh.
52. Lễ sinh có phải giúp chủ tế ở phòng thánh không ?
Có, lễ sinh phải giúp chủ tế mặc phẩm phục : áo trắng dài, dây thắt lưng, kéo cổ áo lễ và sửa lại ngay ngắn, v.v…
I. NGHI THỨC ĐẦU LỄ :
53. Thánh Lễ gồm mấy phần ?
Thánh Lễ gồm hai phần chính là : phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Ngoài ra còn hai phần phụ là : Nghi thức đầu lễ và nghi thức kết thúc.
54. Nghi thức đầu lễ gồm những gì ?
Nghi thức đầu lễ gồm cuộc rước đầu lễ với bài “Ca nhập lễ”, dấu Thánh Giá, lời chào khai mạc, nghi thức sám hối, kinh “Vinh danh”, lời kêu mời cầu nguyện và lời nguyện nhập lễ.
55. Vì sao chủ tế và giúp lễ phải bái chào bàn thờ ?
Vì bàn thờ đã được thánh hiến là dấu chỉ chính Đức Kitô, là nơi cử hành lễ hiến tế, vì thế sau khi bái chào thì chủ tế còn hôn kính bàn thờ nữa.
56. Lời chào đầu lễ của chủ tế : “Chúa ở cùng anh chị em” có ý nghĩa gì ?
Lời chào này báo cho cộng đoàn ý thức có Chúa đang hiện diện giữa họ và qui tụ họ lại để tôn vinh Thiên Chúa.
57. Trong thánh lễ, Chúa Giêsu hiện diện cách nào ?
Chúa Giêsu hiện diện trong Lời Chúa, trong cộng đoàn cầu nguyện và thực hành bác ái, trong con người thừa tác viên thánh, và nhất là trong hình bánh rượu đã được truyền phép.
58. Nghi thức sám hối đầu lễ có thay bí tích Hòa Giải không ?
Thưa không, vì nghi thức sám hối đầu thánh lễ là biểu lộ tâm tình sám hối vì thấy mình bất xứng nên xin Chúa thứ tha lỗi lầm để được xứng đáng cử hành mầu nhiệm cao cả. Vì thế, đây chưa phải là bí tích Hòa Giải, vì chưa có lời Xá giải bí tích cho từng hối nhân.
59. Kinh Vinh Danh có giá trị như thế nào ?
Đây là thánh thi mượn lời các thiên thần ca ngợi Thiên Chúa trong đêm Giáng Sinh. Kinh này giúp chúng ta chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, bày tỏ niềm vui, nên không đọc trong mùa sám hối (Mùa Vọng, Mùa Chay và các lễ an táng, cầu hồn).
60. Vì sao chủ tế lại kêu mời “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” ?
Để nhắc mỗi người hãy hiệp thông với lời nguyện của ngài. Riêng trong lời nguyện nhập lễ, chủ tế mời gọi mỗi người thầm thĩ trong lòng dâng ý nguyện riêng mà ngài sẽ tổng kết trong lời nguyện được gọi là “lời tổng nguyện”.
II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
61. Phần phụng vụ Lời Chúa bắt đầu và kết thúc khi nào ?
Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Kinh Thánh thứ nhất, sau lời nguyện nhập lễ của chủ tế, và kết thúc khi đọc xong lời nguyện chung, tức là trước khi dâng lễ vật.
62. Bài đọc I thường được trích từ đâu ?
Bài đọc I thường được trích từ Kinh Thánh Cựu Ước để loan báo hành động của Thiên Chúa là Đấng từ khi tạo thành thế giới, đã chuẩn bị cho dân Ngài đón tiếp Chúa Giêsu. Ngày Chúa Nhật, Bài đọc I giúp ta hiểu bài Tin Mừng rõ hơn.
63. Bài đọc II thường được trích từ nguồn nào ?
Bài đọc II thường được trích từ một trong các thư tông đồ. Bài đọc này liên kết chúng ta với các Kitô hữu đầu tiên, bởi vì các Tông Đồ đã rao giảng cho các cộng đoàn tiên khởi hoặc là đã viết thư cho họ.
64. Ý nghĩa của Thánh Vịnh đáp ca là gì ?
Thánh vịnh đáp ca là lời đáp trả của con người sau khi nghe Chúa nói qua các bài đọc Kinh Thánh. Do đó, Thánh vịnh đáp ca phải là bản văn Kinh Thánh có liên quan trực tiếp với bài đọc vừa được nghe.
65. Ai là người được phép công bố Tin Mừng trong Thánh lễ ?
Khi cử hành Thánh lễ, chỉ có những người có chức thánh mới được phép công bố Tin Mừng.
66. Bài Tin Mừng có chỗ đứng như thế nào trong Thánh lễ ?
Đó là trọng tâm của phần phụng vụ Lời Chúa : Chính Chúa Kitô Phục Sinh đang nói với chúng ta. Vì thế việc công bố Tin Mừng phải thật long trọng và mọi người đứng, quay mặt về phía người đọc để tỏ lòng kính trọng và chăm chú lắng nghe.
67. Ai được phép giảng lễ và dựa vào đâu để diễn giảng ?
Chỉ người có chức thánh mới được giảng trong Thánh lễ. Ngài dựa vào những gì Lời Chúa vừa nói với cộng đoàn để giúp chúng ta đón nhận giáo huấn, như xưa Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ làng Emmau.
68. Ý nghĩa của lời tuyên xưng đức tin là gì ?
Lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính là lời cộng đoàn đáp lại Lời Chúa. Người Kitô hữu tuyên xưng lớn tiếng Đấng họ tin, qua việc đón nhận và đáp lại Lời Ngài mà họ vừa được nghe trong các bài Kinh Thánh và bài diễn giảng.
69. Lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn hiện diện có liên hệ đến những ai ?
Lời tuyên xưng đđức tin của cộng đoàn có liên hệ đến cả Hội Thánh, bao gồm những người hiện diện, những người vắng mặt và cả những người đã qua đời. Vì đây là đức tin của cả Hội Thánh, là dấu để nhận biết người thuộc về Hội Thánh.
70. Khi đọc Kinh Tin Kính, vì sao mọi người lại cúi mình khi tới câu : “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” ?
Chúng ta cúi mình để tỏ lòng tôn kính mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc loài người. Đặc biệt mọi người còn quì trong ngày lễ Truyền Tin và Giáng Sinh.
71. Vị trí của “Lời nguyện chung” trong Thánh lễ là gì ?
“Lời nguyện chung” (“lời nguyện cho mọi người”, “lời nguyện tín hữu”) kết thúc phần Phụng vụ Lời Chúa. Đây là lúc cộng đoàn dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho hết mọi người, bởi lẽ Chúa Giêsu đã ban sự sống và kêu gọi hết mọi người nhận biết Thiên Chúa.
III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
72. Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu và kết thúc khi nào ?
Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ phần chuẩn bị lễ vật, tức là sau lời nguyện chung, cho đến hết Lời nguyện hiệp lễ.
73. Lễ sinh làm gì trong phần chuẩn bị lễ vật ?
Em đem khăn thánh, khăn lau chén, dĩa và chén thánh, bình đựng bánh thánh và sách lễ đặt trên bàn thờ. Sau đó em đem rượu và nước cho chủ tế.
74. Vì sao người dự lễ cũng được dâng bánh rượu ?
Các tín hữu tiến dâng bánh và rượu dùng vào việc tế lễ là để biểu lộ sự tham dự tích cực. Đây cũng là lúc mỗi người được mời gọi dâng lễ vật của mình lên : tiền hy sinh dâng cúng cùng với tất cả bản thân và đời sống của mình.
75. Việc pha một chút nước vào rượu có ý nghĩa gì ?
Việc pha nước vào rượu diễn tả chúng ta muốn được thông phần bản tính Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta.
76. Việc chủ tế rửa tay sau phần dâng lễ vật có ý nghĩa gì ?
Linh mục rửa tay sau phần dâng lễ vật là dấu chỉ muốn xin ơn thanh tẩy bản thân trước khi dâng tiến hy tế Đức Kitô.
77. Sau nghi thức rửa tay, Thánh lễ tiếp diễn như thế nào ?
Sau nghi thức rửa tay, chủ tế đọc lời nguyện tiến lễ để kết thúc phần chuẩn bị lễ vật, rồi bước sang phần quan trọng của Thánh lễ là Kinh Tạ Ơn.
78. Kinh Tạ Ơn (Kinh Nguyện Thánh Thể) là gì ?
Đây là lời kinh dành cho vị chủ tế, bắt đầu sau lời nguyện tiến lễ bằng “Kinh Tiền Tụng” cho đến hết vinh tụng ca “Amen” trước Kinh Lạy Cha. Trong Kinh Tạ Ơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến cuộc đời mình thành một lời “cám ơn” Thiên Chúa.
79. Kinh Tạ Ơn có giá trị như thế nào ?
Đây là phần cao trọng nhất của Thánh lễ, vì phần này hiện tại hóa cho đến muôn đời lễ tế của Giêsu trên Thập Giá, để cứu chuộc mọi người.
80. Chúng ta tham dự vào Kinh Tạ ơn với tâm tình nào ?
Khi đọc Kinh Tạ Ơn, mọi người kính cẩn và thinh lặng lắng nghe để kết hợp với hy tế của Đức Kitô, và trong cõi lòng thầm kín, chúng ta hiến dâng lên Chúa cuộc đời, niềm vui, nỗi khổ của mình. Mọi người còn tham dự tích cực bằng lời tung hô vào những lúc được trù liệu trong lời kinh.
81. Kinh Tạ Ơn gồm những phần chính nào ?
Kinh Tạ Ơn gồm : hành vi tạ ơn, khẩn cầu Chúa Thánh Thần, truyền phép, các lời chuyển cầu và vinh tụng ca kết thúc.
82. Hành vi tạ ơn mang ý nghĩa nào ?
Hành vi tạ ơn là linh mục nhân danh toàn thể cộng đoàn đã được “thánh hóa” bằng bí tích Rửa tội, mà tôn vinh Thiên Chúa và dâng lên Ngài lời tạ ơn, cảm tạ về mọi công trình Ngài đã thực hiện qua Chúa Giêsu, đặc biệt là trong cuộc tử nạn và phục sinh.
83. Trong phần khẩn cầu Chúa Thánh Thần, linh mục làm những gì ?
Trong phần này, linh mục làm theo cử chỉ xa xưa trong Kinh Thánh. Ngài đặt tay trên bánh và rượu mà nài xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi bánh và rượu này.
84. Trong phần truyền phép chủ tế đọc những lời nào ?
Trong phần truyền phép, linh mục lặp lại những lời mà Chúa Giêsu đã đọc trên bánh và rượu, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc Ly (1Cr 11,23-26).
85. Hiệu quả lời truyền phép là gì ?
Khi vị chủ tế đọc lời truyền phép nhân danh Chúa Kitô thì quyền năng Chúa Thánh Thần hiến thánh bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.
86. Vì sao lại có rung chuông khi truyền phép ?
Người giúp lễ rung chuông để nhắc nhở giáo dân nhớ khi truyền phép là giây phút cực thánh, cực trọng của Thánh lễ.
87. Lời chuyển cầu trong Kinh Tạ Ơn đề cập đến những thành phần nào trong Hội Thánh ?
Phần chuyển cầu nhớ đến mọi thành phần của Hội Thánh :
- Hội Thánh khải hoàn gồm Đức Maria và các Thánh.
- Hội Thánh lữ hành gồm : Đức Giáo Hoàng, các giám mục, linh mục, phó tế và toàn thể cộng đoàn tín hữu.
- Hội Thánh đau khổ là những người đã chết và đang được thanh luyện.
88. Kinh Tạ Ơn kết thúc như thế nào ?
Kinh Tạ Ơn kết thúc bằng một Vinh Tụng Ca long trọng. Chỉ một mình chủ tế đọc lời tung hô này để chúc vinh và tạ ơn Thiên Chúa về mọi điều Thiên Chúa đã thực hiện để cứu chuộc nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Cộng đoàn hân hoan biểu lộ sự hiệp ý khi thưa “Amen”.
IV. NGHI THỨC HIỆP LỄ
89. Nghi thức “Hiệp lễ” gồm những gì ?
Nghi thức Hiệp lễ gồm : kinh Lạy Cha, kinh xin bình an, cử chỉ chúc bình an, hiệp lễ và lời nguyện hiệp lễ.
90. Kinh Lạy Cha đọc trong Thánh lễ có mục đích gì ?
Đây chính là lời kinh Chúa dạy. Kinh Lạy Cha được đọc trong Thánh lễ giúp chúng ta dọn lòng hiệp lễ. Chúng ta hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu và hiệp nhất với mọi người là anh em của chúng ta.
91. Kinh “Xin bình an” nhắc chúng ta điều gì ?
Linh mục đọc kinh này nhắc chúng ta nhớ rằng bình an là ơn của Chúa, là ơn mà chúng ta phải luôn luôn xin Ngài bằng tâm tình tin tưởng cậy trông.
92. Cử chỉ chúc bình an diễn tả điều gì ?
Cử chỉ chúc bình an là dấu chỉ qua đó Hội Thánh cầu xin ơn bình an và hiệp nhất cho chính mình, cho toàn thể nhân loại. Khi chúc bình an, các tín hữu tỏ bày cho nhau sự hiệp thông trong Hội Thánh và lòng yêu thương nhau, trước khi thông hiệp bí tích Thánh Thể (QCTQ/SLR 82).
93. Việc chủ tế bẻ bánh có ý nghĩa gì ?
- Đây là cử chỉ Chúa Kitô đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly, là dấu chỉ sự sống được ban cho hết mọi người.
- Đây cũng là dấu chỉ diễn tả sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu khi họ cùng chia sẻ một Tấm Bánh là Đức Giêsu.
94. Việc chủ tế bỏ một chút Mình Thánh vào Máu Thánh có ý nghĩa gì ?
Đây là dấu chỉ sự sống của Chúa Kitô là một, gồm cả Mình và Máu Ngài.
95. Việc hiệp lễ diễn tiến như thế nào ?
Khi hiệp lễ, những ai đã chuẩn bị xứng đáng tiến lên rước Chúa Kitô (đón nhận trong tay hay trên lưỡi), với niềm tin và lòng thành kính.
96. Lời thưa “Amen” trước khi rước lễ có ý nghĩa gì ?
Lời “Amen” lúc đó có nghĩa là : “Vâng, con tin thật đây là Mình Thánh Chúa !”, để đáp lại lời thừa tác viên cho rước lễ giới thiệu : “Mình Thánh Chúa Kitô !”
97. Lời nguyện hiệp lễ mang ý nghĩa nào ?
Lời nguyện hiệp lễ nói lên lòng biết ơn vì Chúa đã đến ngự trong tâm hồn chúng ta để nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta và cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả.
V. NGHI THỨC KẾT THÚC
98. Nghi thức “kết thúc” gồm những gì ?
Nghi thức kết thúc gồm phép lành và lời giải tán.
99. Phép lành cuối lễ mang ý nghĩa nào ?
Ban phép lành cuối lễ có nghĩa là xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc phúc và gìn giữ tất cả mọi người.
100. Lời giải tán : “Chúc anh chị em ra về bình an !” mời gọi chúng ta làm gì ?
Lời giải tán “để ai nấy vừa trở về với công việc tốt lành của mình, vừa ngợi khen và chúc tụng Chúa” (QCTQ/SLR 90).
Giáo phận Đàlạt
Ban Giáo Lý
Tháng 8-2005